Trong 3 môn để thi đại học vào khối A, có thể coi Hóa là một môn học vô cùng khó nhai với mớ lý thuyết dày đặc cộng với nhiều bài toán, phương trình hóc búa. Đặc biệt lớp 12 là năm học quan trọng nhất trong ba năm cấp 3, là thời điểm nước rút để học sinh chuẩn bị cho hai kì thi quan trọng trước mắt là Thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi Đại học.
Vậy làm thế nào để mỗi bạn học sinh có một hành trang kiến thức Hóa vững chắc – một “gia sư Hóa tại nhà” cho riêng mình để “vượt vũ môn” thành công?
1. Lý thuyết - Nắm trong lòng bàn tay
Nhiều bạn lầm tưởng rằng Hóa học nên làm nhiều dạng bài tập và tính toán thường xuyên thì mới đạt được điểm cao. Đó là một ý nghĩ sai lầm. Thực tế số lượng câu hỏi áp dụng lý thuyết lại chiếm tới 50% nội dung đề thi tốt nghiệp THPT và Đại học. Vì vậy, Gia sư tại nhà khuyên bạn nắm thật vững lý thuyết lúc này là bạn đã có thể cầm chắc trong tay từ 5 đến 6 điểm.
Lý thuyết Hóa học cấp 3 trải dài từ lớp 10 đến lớp 12 và có tính liên kết rất chặt chẽ, học thuộc lòng kiến thức căn bản trong sách giáo khoa của ba năm học này sẽ giúp học sinh nắm được một nửa số điểm bài thi. Các bạn cần ghi nhớ chắc các lý thuyết và định luật tổng quát như: thuyết nguyên tử - phân tử, thuyết electron, liên kết hóa học, thuyết điện li…
2. Luyện đề thi – liên tục, liên tục, liên tục.
Chỉ vững vàng với lý thuyết thôi là chưa đủ bởi nếu không biết áp dụng chúng vào thực hành làm nhiều dạng bài tập khác nhau thì khoảng cách để đến với số điểm khá, giỏi trong kì thi Tốt nghiệp và Đại học vẫn còn khá xa.
Đề thi Hóa gồm rất nhiều những bài toán, phương trình khó rất mất nhiều thời gian để tính toán, vì vâỵ học sinh cần thực hành nhiều lần những phương pháp giải Hóa nhanh như áp dụng định luật bảo toàn: bảo toàn khối lượng, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn electron…, phương pháp đường chéo, phương pháp tăng giảm khối lượng…
Chăm chỉ làm bài tập, luyện giải đề thi cũng là một cách hiệu quả để các bạn quen dần với những dạng bài tập đa dạng của môn Hóa, luyện được cho mình cách giải nhanh, tăng dần tốc độ làm bài và hơn hết là khám phá ra được nhiều cách giải khác vẫn chính xác mà lại linh động hơn.
3. Kiên trì, bền bỉ - Chìa khóa của thành công
“Có công mài sắt có ngày nên kim”. Không có một thành công nào mà không cần đến sự kiên trì, chăm chỉ. Hóa học là một môn học nặng và dễ khiến học sinh cảm thấy nản chí trước lượng kiến thức và bài tập đồ sộ. Đừng nghĩ về điều đó. Học là cả một quá trình. Hãy bắt đầu ngay vào việc học từ bây giờ cùng với một chế độ ôn luyện chăm chỉ và hợp lý, kiến thức sẽ dần dần hình thành trong trí nhớ và chỉ một thời gian sau đó, bạn sẽ cảm thấy đây không còn là một môn học khó nhai nữa.