Nuôi dạy con thế nào khi... Cha mẹ dư giả, con thèm được nghèo!
Mặc dù Việt Nam chưa phải là một nước giàu và chúng ta vẫn đang nằm trong nhóm nước đang phát triển, thế nhưng ở Việt Nam vẫn có không ít những triệu phú, tỉ phú. Trở nên giàu có với cuộc sống vật chất dư giả là ước mơ của nhiều người. Nhưng có một nghịch cảnh đang diễn ra ở không ít trẻ emViệt Nam “ước được làm con nhà nghèo"!
Mặc dù được cha mẹ đầu tư không tiếc tay cho việc học hành, sinh hoạt, đời sống vật chất dư giả nhưng không ít đứa trẻ có cuộc sống giàu sang đó lại thèm được thành con… nhà nghèo. Tại sao thế?
Tài là một học sinh lớp 7, 13 tuổi ở TPHCM, bố mẹ Tài cùng kinh doanh, đi công tác nước ngoài triền miên, có lúc vắng nhà nhiều tháng liền. Khi về nhà họ cũng bận việc nên chẳng mấy khi ăn uống, trò chuyện với con. Mọi việc chăm sóc, đưa đón Tài đến trường nhiều năm nay đều do chị giúp việc đảm nhận. Về nhà, cậu chỉ một mình trong phòng, học xong lại "cắm đầu" vào máy tính. Thay vào đó em được bố mẹ “bù đắp” bằng nhiều quà cáp hoặc tiền bạc.
Hằng ngày, tài xế của gia đình đưa rước Tài đến trường bằng xe bốn bánh, bà vú đón em từ cửa lớp dắt ra tận xe. Mặc dù còn nhỏ tuổi Tài đã dùng quần áo hàng hiệu, sở hữu những món đồ công nghệ đắt tiền nhất.
Ngoài học ở trường, cậu bé đang theo học tại một trung tâm Anh ngữ cao cấp. Chi phí hàng chục triệu cho một khóa học ba tháng. Ngoài ra, tuần một buổi, Tài còn học với giáo viên nước ngoài được mời về tận nhà là một biệt thự nằm ở Q.2, TPHCM và có không ít gia sư tại nhà dạy từng môn học khác nhau.
Cuộc sống đầy đủ đến mức, không ít lần cậu bé này tuyên bố với bạn bè, thứ gì cậu thích, bố mẹ sẽ đáp ứng ngay. Thế nhưng, trong một buổi sinh hoạt ngoại khóa chủ đề nói về ước mơ của mình, giáo viên và bạn bè ngỡ ngàng khi nghe Tài chia sẻ: “Ước được làm con nhà nghèo để được gần ba mẹ”.
Ước được làm con nhà nghèo! Nghe có vẻ lạ lùng nhưng đó là suy nghĩ của không ít đứa trẻ sinh ra trong gia đình giàu có. Có thể các em chưa hiểu hết những vất vả của những gia đình điều kiện kinh tế hạn hẹp nhưng trong trong suy nghĩ còn ngây thơ và khao khát tình yêu thương của các em: "Nghèo nghĩa là gia đình được quây quần bên nhau". Và đó là điều mà các em thiếu thốn.
Gia đình là cái nôi giáo dục và có ảnh hưởng rất lớn tới sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, chính vì thế nếu như thiếu đi sự giáo dục của gia đình, bàn tay nuôi dạy con của chính mình thì trẻ sẽ rất dễ mắc vào những tệ nạn xã hội và bị bạn bè xấu dụ dỗ.
Tạm kết: Một lời ước ngây thơ của trẻ nhưng cũng phản ánh một thực trạng đáng buồn của những gia đình Việt hiện nay. Mong các bậc phụ huynh hãy cho con những điều mà con thực sự cần và những điều thực sự tốt cho con chứ đừng mang tặng trẻ những thứ vật chất mà chúng ta có thể mong nó sẽ có thể bù đắp được tình yêu thương!