Xét tuyển hay thi tuyển vào lớp 6? Áp lực luyện thi có trở lại?

Xét tuyển hay thi tuyển vào lớp 6? Áp lực luyện thi có trở lại? Đề xuất mới nhất của Bộ GD và ĐT, phụ huynh cần phải biết.

Ngày 18/12 Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Theo đó, điểm đáng chú ý của dự thảo là cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh. Thông tư 11 năm 2014 chỉ quy định một phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển.

Trong 2 năm qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã cấm tất cả các trường không được tổ chức thi tuyển để tránh áp lực không cần thiết với học sinh hoặc làm nảy sinh việc luyện thi ở các trường.

Với quy định đó, các trường chất lượng cao, trường đông học sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển như chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, THCS Nguyễn Siêu, trường Lương Thế Vinh, Marie Curie… đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc sàng lọc đầu vào.

Để giải đáp thắc mắc của các phụ huynh về quy định mới của Dự thảo nói trên, VTV đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Gia sư Đức Minh xin tóm tắt lại các nội dung chính của buổi trao đổi để các bạn cùng hiểu rõ.

Xét tuyển hay thi tuyển vào lớp 6

Vì sao Bộ GD và ĐT lại đề xuất cho phép thi tuyển đầu vào lớp 6 sau 1 thời gian cấm các trường thi tuyển?

- Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là “Vì sao Bộ GD và ĐT lại đề xuất cho phép thi tuyển đầu vào lớp 6 sau 1 thời gian cấm các trường thi tuyển?”

Về vấn đề này, ông Thành nhấn mạnh: Việc tuyển sinh lớp 6 về nguyên tắc phải đáp ứng yêu cầu của phổ cập giáo dục. Từ năm 2015 Bộ GD và ĐT đã có Công văn giao cho các trường có số lượng học sinh đăng ký vào học đông hơn so với chỉ tiêu được xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện. Dự thảo TT lần này là cụ thể hóa quy định của Bộ từ năm 2015 chứ không phải hoàn toàn mới.

 

Hiểu thế nào cho đúng về khái niệm Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh

- Câu hỏi thứ hai là hiểu thế nào cho đúng về khái niệm Kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh.

Ông Thành làm rõ:

Đổi mới giáo dục hiện tại theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Ông nêu ra định hướng phát triển 10 năng lực cho học sinh bao gồm: tự chủ tự học, giao tiếp hợp tác, giải quyết vấn đề, sáng tạo, toán học, ngôn ngữ, tìm hiểu tự nhiên xã hội, công nghệ - tin học, nghệ thuật và thể chất.

Đánh giá năng lực khác với đánh giá kiến thức. Kiến thức là nguyên liệu hình thành nên năng lực. Đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh đã có được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể.

Để giúp mọi người có hình dung rõ hơn, ông nêu ví dụ cụ thể: Như việc đánh giá năng lực ngôn ngữ (tiếng việt hay các ngôn ngữ khác), không phải là kiểm tra kiến thức ngôn ngữ mà là đánh giá khả năng sử dụng ngôn ngữ. Khả năng sử dụng ngôn ngữ ở đây cụ thể là khả năng nói, viết về những vấn đề phù hợp với lứa tuổi.

Theo Gia sư Đức Minh, đây là một ví dụ hết sức dễ hiểu và phản ánh đúng thực trạng hiện nay. Cụ thể như việc học tiếng anh, trước đây học sinh và giáo viên chỉ quan tâm đến kiến thức ngôn ngữ (từ vựng, ngữ pháp…) thì bây giờ tập trung cả vào việc giúp học sinh có thể sử dụng được kiến thức ngôn ngữ đó vào đời sống (nghe, nói, giao tiếp được bằng tiếng anh…).

Đánh giá năng lực lớp 6

Cho phép các trường đánh giá năng lực học sinh thì các vấn đề về học thêm, luyện thi, áp lực với học sinh tiểu học… có lại xảy ra hay không?

- Câu hỏi thứ ba đặt ra trước lo ngại về việc cho phép các trường đánh giá năng lực học sinh thì các vấn đề về học thêm, luyện thi, áp lực với học sinh tiểu học… có lại xảy ra hay không? Ông Thành đưa ra nhận định như sau:

Thi và kiểm tra đánh giá có tác động trở lại đối với quá trình dạy học. Trong quá trình dạy học các thầy cô phải chú trọng không chỉ trang bị kiến thức mà phải làm thế nào để học sinh biết vận dụng kiến thức đó để giải quyết tình huống phù hợp. Điều này cần được thực hiện xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 5. Năng lực không thể hình thành và phát triển trong một giai đoạn ngắn, lựa chọn luyện thi để mong muốn con em có năng lực trong vài ba tháng là điều không thể. Chính vì vậy, trong quá trình dạy học thầy cô phải chú trọng phát triển năng lực của các em trong suốt quá trình dạy học.

Cùng đồng hành với hàng nghìn bạn học sinh trong suốt gần 15 năm qua, Gia sư Đức Minh hiểu rằng kết quả học tập thực sự không thể đến được trong ngày một ngày hai. Học tập và trở thành con người có năng lực là một quá trình rèn luyện lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực thường xuyên, liên tục của các em học sinh trong mỗi bước phát triển. Chúng tôi tự hào được đồng hành và chung tay cùng các bậc phụ huynh trong việc giúp các bạn học sinh không chỉ có kiến thức tốt mà còn phát triển năng lực của bản thân từng ngày, từng giờ.

Dự thảo được Bộ Giáo dục xin ý kiến dư luận đến hết ngày 18/2/2018. Nếu các bạn quan tâm hãy chia sẻ và để lại ý kiến để cùng góp tiếng nói của mình vào Dự thảo nói riêng và cải cách giáo dục nói chung.

Gia sư Đức Minh sưu tầm và biên soạn

Thong ke