Thấu hiểu học sinh – Bước đi đầu tiên của người làm thầy
Dạy học là một quá trình thuận nghịch, thống nhất của hai loại hoạt động dạy và học do hai thực thể (thầy và trò) đảm nhiệm. Trong quá trình đó, chức năng của thầy là tổ chức và điều khiển hoạt động của trò, chức năng của trò chiếm lĩnh nền văn hóa xã hội. Dạy học chỉ có hiệu quả cao khi quá trình đó thực sự là quá trình điều khiển được.
Kết quả của sự điều khiển một phần tùy thuộc vào “tần số” trao đổi thông tin giữa người dạy và người học, nói cách khác, thầy càng hiểu trò, hiểu kịp thời bao nhiêu thì càng có căn cứ để tổ chức và điều khiển quá trình dạy học và giáo dục của mình bấy nhiêu. Vì vậy, Gia sư tại nhà cho rằng năng lực hiểu học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục được xem là chỉ số cơ bản của năng lực sư phạm.
Đó là năng lực “thâm nhập” vào thế giới bên trong của trẻ, sự hiểu biết tường tận về nhân cách của chúng, cũng như năng lực quan sát tinh tế những biểu hiện tâm lí của học sinh trong quá trình dạy học và giáo dục.
Một thầy giáo có năng lực hiểu học sinh khi chuẩn bị bài giảng đã biết tính đến trình độ văn hóa, trình độ phát triển của chúng, hình dung được từng em cái gì chúng biết, biết đến đâu, cái gì có thể quên hoặc khó hiểu. Về vấn đề này, ở những giáo viên ít kinh nghiệm, vì không biết đánh giá đúng trình độ học sinh, nên đối với họ tài liệu nào cũng dường như đơn giản, dễ hiểu và không đòi hỏi một thủ thuật trình bày đặc biệt nào. Rõ ràng là đối với họ tất cả học sinh đều như nhau. Sự phân biệt của họ có chăng chỉ có hai loại: cố gắng hoặc lười biếng, học khá hoặc học kém. Do đó, trong khi chế biến và trình bày tài liệu, họ đã hướng về mình chứ không phải hướng về học sinh. Trái lại, người thầy có kinh nghiệm, khi chế biến hay trình bày tài liệu lại biết đặt mình vào địa vị người học. Do đó, họ đặc biệt suy nghĩ về đặc điểm của nội dung, xác định khối lượng, mức độ khó khăn và hình thức trình bày sao cho thuận lợi nhất đối với học sinh.
Vì vậy biểu hiện trước hết của năng lực hiểu học sinh là ở chỗ, thầy biết xác định khối lượng kiến thức đã có và mức độ, phạm vi lãnh hội của học sinh và từ đó xác định mức độ và khối lượng kiến thức mới cần trình bày trong công tác giảng dạy hay giáo dục.
Người thầy giáo có năng lực hiểu học sinh, trong quá trình giảng dạy của mình, căn cứ vào một loạt dấu hiệu do quan sát tinh tế có thể xây dựng những biểu tượng chính xác về những lời giảng dạy của mình đã được những học sinh khác nhau lĩnh hội như thế nào? Gia sư tiếng anh thấy nhiều quan sát tâm lí cho rằng khả năng hiểu học sinh trong quá trình dạy học của người thầy giáo được thể hiện trên hai mức độ: ở mức độ thấp, giáo viên có thể nhận biết được học sinh hiểu bài mới ra sao bằng cách đề ra câu hỏi, ra bài tập và học sinh làm và trả lời, ở mức độ cao hơn, giáo viên có năng lực, ngay trong quá trình day học, tự hồ như đã nắm được phần nào diễn biến của sự lĩnh ở chúng và hầu như đã đọc được cái gì đã diễn ra và diễn ra như thế nào trong óc họ. Quan sát những giáo viên dạy giỏi ta thấy, họ theo dõi học sinh hiểu bài như thế nào không phải chỉ qua câu trả lời mà chính qua thắc mắc của học sinh hoặc căn cứ vào những dấu hiệu dường như không đáng kể (một sự ngập ngừng trong câu trả lời, một từ, một câu bị dập xóa trong bài làm, một ánh mắt, một nụ cười hay một tiếng xì xào trong lớp...) mà có thể hiểu được những biến đổi nhỏ nhất trong tâm hồn học sinh, dự đoán được mức độ hiểu bài và có khi còn phát hiện được cả mức độ hiểu sai lệch của chúng.
Người thầy giáo có năng lực hiểu học sinh còn thể hiện ở chỗ dự đoán được thuận lợi và khó khăn, xác định đúng đắn mức độ căng thẳng cần thiết khi thực hiện các nhiệm vụ nhận thức.
Năng lực hiểu học sinh là kết quả của một quá trình lao động đầy trách nhiệm, thương yêu và sâu sát học sinh, nắm vững môn mình dạy, am hiểu đầy đủ về tâm lí học trẻ em, tâm lí học sư phạm cùng với một số phẩm chất tâm lí cần thiết như sự “tinh ý” sư phạm (quan sát), óc tưởng tượng, khả năng phân tích và tổng hợp.