Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 đã kết thúc một cách khá nhẹ nhàng. Ưu điểm lớn nhất của kỳ thi năm nay đó là giúp tiết kiệm được chi phí từ 2 kỳ thi đã gộp thành một. Ngoài ra, kỳ thi đã được chuyển về do địa phương chủ trì, khiến việc đi lại của thí sinh và phụ huynh đỡ vất vả hơn rất nhiều so với các năm trước, không còn cảnh “khăn gói” đổ dồn về các thành phố lớn.
Từ việc chuyển từ hình thức tự luận sang trắc nghiệm và trong 1 phòng mỗi thí sinh 1 mã đề cũng làm giảm được tình trạng quay cóp, triệt tiêu được việc thí sinh mang “phao” vào phòng thi đồng thời chấm dứt tình trạng thí sinh nườm nượp kéo nhau đến các lò luyện thi.
Xem thêm:
'Mưa' điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2017
Năm 2017 là năm đầu tiên các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia đều được chuyển sang hình thức thi trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn. Đây cũng là lần đầu tiên thí sinh được thi theo tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) với 3 môn là Lý, Hóa, Sinh và bài thi Khoa học xã hội (KHXH) với 3 môn gồm Sử, Địa và Giáo dục công dân.
Vì là năm đầu tiên có nhiều đổi mới nên ngay trước thời điểm diễn ra kỳ thi, dư luận xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn, nghi ngại. Tuy vậy, sau khi kỳ thi kết thúc, bước đầu đã thu nhận được những tín hiệu khá tích cực với tương đối điểm 10 trên toàn quốc – cao vượt trội so với năm 2016.
Tuy vậy, vẫn còn một vài điều chưa hợp lý, cần tiếp tục điều chỉnh để áp dụng khoa học, phù hợp hơn cho kỳ thi năm tới. Theo phản ánh của nhiều học sinh, dù mỗi môn thành phần của bài thi tổ hợp là 50 phút nhưng do thời gian thí sinh phải chờ đề, nghỉ giải lao tại chỗ để chuẩn bị cho môn thi thành phần kế tiếp 20 phút/môn, con số này nhân cho 3 môn là 60 phút, cộng với thời gian làm bài chính thức là 150 phút/3 môn, tức là thí sinh phải làm bài tổ hợp trong vòng 210 phút, tức là hơn 3 tiếng rưỡi đồng hồ. Đồng nghĩa với việc, nếu tính từng buổi, thời gian trong phòng thi của thí sinh dự bài thi tổ hợp dài hơn. Trên thực tế, điều này gây căng thẳng, mệt mỏi cho thí sinh và khiến kết quả của môn thi thành phần cuối cùng trong mỗi bài thi tổ hợp ít nhiều bị ảnh hưởng vì thời gian cuối, thí sinh đã đuối sức nên rất dễ chọn cách khoanh bừa đáp án.
Cũng theo phản ánh của nhiều thí sinh, trong quá trình làm bài, một số thí sinh trong phòng đã tìm cách “gian lận” thời gian. Cụ thể, trước khi giám thị thu đề môn thứ nhất và thứ hai, nhiều thí sinh đã kịp dùng bút chì chép lại đề những câu chưa kịp làm trên thẻ dự thi, thậm chí là trên bàn. Sau đó, trong thời gian làm bài môn tiếp theo, thí sinh lại tiếp tục tô đáp án của các môn trước vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Điều này cho thấy, nếu năm 2018 vẫn tiếp tục thi theo bài thi tổ hợp, cần tiến hành thu phiếu trả lời theo từng môn ngay sau quá trình kết thúc để tránh tình trạng như trên.
Băn khoăn lớn khác đối với nhiều người khi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 kết thúc đó là liệu kết quả thi THPT có đủ tin cậy để các trường đại học (ĐH) làm căn cứ để xét tuyển trong khi mà năm nay lần đầu tiên kỳ thi được giao cho các Sở GD&ĐT địa phương chủ trì? Nói cách khác, tình trạng “bệnh” thành tích liệu các địa phương có tìm mọi cách để có một kết quả đẹp hơn và có lợi cho mình?
Thực tế cho thấy, trước thời điểm diễn ra kỳ thi, và sau khi kỳ thi kết thúc, những nghi ngại trên hoàn toàn không phải hoàn toàn vô căn cứ. Theo một số giảng viên ĐH được cử về các địa phương phối hợp tổ chức kỳ thi THPT năm nay cho biết, theo phân công của một số địa phương, giảng viên ĐH chỉ được bố trí là giám thị 2, thậm chí có một số người còn được phân công làm những nhiệm vụ chẳng mấy liên quan đến chuyên môn như ngồi trực điện thoại.
Những sự phân công chưa hợp lý này vô tình đã làm vô hiệu hóa khả năng của các giám thị ĐH - những người được xem là có nhiều kinh nghiệm trong việc coi thi và vai trò giám sát để đảm bảo kỳ thi diễn ra một cách khách quan, công bằng... Vì vậy, các giảng viên này cho rằng, trong kỳ thi tới, nếu vẫn giao cho địa phương chủ trì thì việc phối hợp giữa các trường ĐH và các Sở GD&ĐT tại địa phương cần chặt chẽ và thực chất hơn.
Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án kỳ thi THPT quốc gia 2017, một số giáo viên môn Lịch sử đã đặt ra thắc mắc về đáp án trả lời câu 14, trong mã đề 316, tương đương với mã đề 302, câu 22
“Mỹ chính thức tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất khi được thực hiện chiến lược chiến tranh nào ở miền Nam:
A.Chiến tranh cục bộ;
B.Đông Dương hóa chiến tranh;
C. Việt Nam hóa chiến tranh;
D. Chiến tranh đặc biệt”
đã có sự thay đổi về đáp án.
Cụ thể, đáp án đăng trên các phương tiện truyền thông và website của Bộ GD&ĐT trong chiều 24-6 là đáp án “A. Chiến tranh cục bộ”. Tuy nhiên, sau đó, Bộ GD&ĐT đăng tải phần đáp án (có in dấu đỏ) và chỉnh sửa là phương án “D. Chiến tranh đặc biệt”.
Trao đổi với báo chí chiều 26-6, TS Sái Công Hồng, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT, khẳng định không hề có chuyện thay đổi đáp án môn Lịch sử so với ban đầu. Cụ thể, đáp án chính thức là phương án D. Chiến tranh đặc biệt. “Khi cung cấp bản mềm các đáp án bằng CD có thể do lỗi kỹ thuật, nên đáp án bị nhảy từ A sang D. Một số đề thi cũng được sao chép cùng các đáp án của môn thi trong cùng CD này, khi mở ra cũng bị mất không còn trong dữ liệu" - ông Hồng cho hay. Cũng theo ông Hồng, đây là kinh nghiệm quý báu cho những năm sau khi công bố đáp án chính thức nên công bố bản gốc có dấu đỏ của Bộ GD&ĐT để đảm bảo tính pháp lý và tính chính xác.
Từ những bất cập về hình thức thi cũng như phương thức thi năm 2017 tạo tiền đề trong hình thức thi năm 2018, hi vọng năm 2018 sẽ bổ sung và chỉnh sửa để có một kỳ thi thành công hơn. Mọi thông tin về giáo dục sẽ được chúng tôi liên tục cập nhật, mời quý phụ huynh và học sinh tiếp tục theo dõi đóun đọc!
Nguồn: sưu tầm
TRUNG TÂM GIA SƯ ĐỨC MINH - CÔNG TY TNHH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỨC MINH
© Copyright giasuducminh.com. All rights reserved - Designed by Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo Đức Minh