So sánh hai tác phẩm và những điểm cần lưu ý

Liên hệ những phần đặc biệt với nhau

 

so-sanh-hai-tac-pham-va-nhung-diem-can-luu-y

Trong đề thi Đại học, có những năm đề thi được ra với câu 5 điểm đơn giản với việc phân tích trọng tâm một tác phẩm, tuy nhiên cũng có nhiều năm, hai tác phẩm được đặt cạnh nhau để đưa ra một số tiêu chí so sánh. Với những đề thi như thế này, sĩ tử nên có sự chuẩn bị thật tốt trong quá trình ôn luyện. Đề thi dưới dạng so sánh hai tác phẩm thường sẽ liên hệ tới sự tương đồng hoặc đối lập. Do đó trong quá trình học, khi được làm quen với một tác phẩm, bạn nên đánh dấu lại những đoạn có thể so sánh được với các tác phẩm khác. Đó có thể là những đoạn trích dẫn quan trọng, đoạn mở đầu hoặc kết thúc, một hình ảnh “then chốt” của cả bài. Ví dụ như hình ảnh “cái lò gạch cũ bỏ không” ở đoạn cuối của “Chí Phèo” (Nam Cao) có thể được so sánh với hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” trong “Vợ nhặt” (Kim Lân),…

Đặt vào mối quan hệ của tác giả

Những tác giả văn xuôi lớn với phần tiểu sử được viết thành bài riêng thường là những tác giả có hai đến ba tác phẩm được đưa vào chương trình chuẩn trên lớp. Do các tác phẩm cùng một tác giả đều chịu một phong cách nên chúng có thể được đặt cạnh nhau để so sánh và rút ra sự chuyển biến trong nhận thức của tác giả, hay nét chung nhất về nội dung và nghệ thuật mà tác giả sử dụng trong các bài,… Đây cũng là một điểm mà các bạn nên lưu ý khi ôn thi, do vậy, học và ghi nhớ phong cách tác giả là một điều thiết yếu để áp dụng so sánh các tác phẩm, không chỉ cùng tác giả mà còn tác giả này với tác giả khác.

Đặt vào cùng thời kì sáng tác

so-sanh-hai-tac-pham-va-nhung-diem-can-luu-y

Hai tác phẩm văn học cùng thời kì sáng tác với nhau sẽ dễ dàng đặt cạnh nhau để so sánh. Theo chương trình học của sách giáo khoa, các tác phẩm văn xuôi hoặc thơ được sắp xếp theo từng thời kì, từng giai đoạn lịch sử. Qua mỗi giai đoạn khác nhau, văn học Việt Nam lại mang một đặc điểm riêng biệt. Vì thế, các tác phẩm dù có đa dạng do phong cách của tác giả, ít nhiều cũng sẽ mang điểm chung, và những điểm chung này sẽ có nhiều khả năng được sử dụng để xây dựng thành các đề bài. Trong quá trình học, bạn có thể sắp xếp chuyên đề theo tác giả, hoặc theo thời kì lịch sử để tiện cho việc so sánh văn học.

Tuân theo nguyên tắc trình bày

Nhiều sĩ tử khá lúng túng trong việc tìm ra cách trình bày dạng văn so sánh, vì việc phân tích không chỉ một mà đến hai tác phẩm, nếu như không được đưa vào bài một cách khoa học sẽ rất dễ gây ra sự rối hoặc loãng bài viết. Dàn ý khái quát phần thân bài của dạng bài so sánh thường là:

•    Phân tích, làm rõ đặc điểm đề bài yêu cầu của lần lượt hai tác phẩm.

•    So sánh, đưa ra nét tương đồng hay khác biệt giữa hai tác phẩm về hình thức và nội dung.

•    Lý giải sự tương đồng hay khác biệt đó.

Trong quá trình viết bài, sĩ tử có thể có sự sáng tạo cho riêng mình để nâng cao chất lượng bài viết. Tuy nhiên, đối với những bạn còn yếu về môn Văn, thì việc tuân theo nguyên tắc trình bày sẽ đảm bảo cho bạn sự mạch lạc trong cấu trúc bài, từ đó bài viết sẽ được đánh giá cao hơn so với những bài có nhiều ý nhưng lại có cấu trúc không rõ ràng.

Tóm lại, dạng đề so sánh giữa hai tác phẩm thực sự khó hơn các dạng đề phân tích bình thường, và tùy theo yêu cầu đề bài, các sĩ tử nên cố gắng viết làm sao không chỉ để hay, mà quan trọng hơn phải đúng và đầy đủ. Đó cũng là yêu cầu của một đề Văn Đại học để đạt được điểm số một cách chắc chắn.

Mong rằng bài viết này sẽ giúp ích nhiều  cho các bạn trong quá trình ôn thi Đại học môn Văn. Chúc các bạn thành  công!

Trung tâm Gia sư Đức Minh

Thong ke